Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu dự án Vành đai 3 được phê duyệt cách đây 10 năm xong năm 2025, giúp thành phố giảm ùn tắc và liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu dự án tuyến đường Vành đai 3 được phê duyệt cách đây 10 năm xong năm 2025, giúp thành phố giảm thiểu ùn tắc, liên kết các Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Yêu cầu này được Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đưa ra trong buổi làm việc với bộ ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm khép kín tuyến Vành đai 3 và 4 Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14/5. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao Thông Vận tải hướng dẫn các địa phương có liên quan lập phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án. Những trở ngại liên quan pháp lý nếu cần thiết Chính Phủ sẽ báo cáo Quốc Hội sửa luật trong kỳ họp sắp tới để đẩy nhanh tiến độ.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tại buổi làm việc.
Dự án Vành đai 3 với tổng chiều dài 98 km, đi qua Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Được Thủ Tướng phê duyệt cách đây hơn 10 năm nhưng hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (dài 16 km) hoàn thành. Mới đây hai dự án thành phần 1A và 1B, dài gần 18 km, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ Giao Thông Vận Tải phê duyệt.
Với dự án 1A (tỉnh lộ 25B - cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) dài 8,7 km, Phó chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Lê Hoà Bình cho biết kinh phí giải phóng mặt bằng dự án tăng lên 1.600 tỷ đồng, so với trước đây chỉ 148 tỷ đồng. Tuy vậy Tp. Hồ Chí Minh sẽ cố gắng bố trí vốn giải phóng mặt bằng đoạn này cũng như các đoạn đi qua địa bàn thành phố.
Theo ông Bình, hai đoạn còn lại (Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức) muốn đẩy nhanh tiến độ thì cần phải được xác định rõ cơ quan có thẩm quyền giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Những đoạn này nếu không triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thì có thể xin vốn Trung Ương để đầu tư cho phần xây lắp.
Liên quan phần giải phóng mặt bằng - vướng mắc được xem là lớn nhất khi thực hiện Vành đai 3, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới Chính Phủ sẽ trình Quốc Hội để ra nghị quyết giao tỉnh thành có thẩm quyền giải phóng mặt bằng khi dự án đi qua địa phương. Do đó, địa phương nào không đáp ứng được tiến độ sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Ngay lúc này địa phương cần cần chuẩn bị giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật... Các dự án thành phần cần tách dưới 10.000 tỷ đồng cho dễ thực hiện", ông Thể nói và cho hay phải làm tốt những công đoạn vừa nêu dự án mới hoàn thành năm 2025 như dự kiến.
Vành đai 3 hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) hoàn thành.
Theo Phó Thủ Tướng Lê Văn Thành, việc đầu tư dự án Vành đai 3 (cả Vành đai 4) có nhiều hình thức như đối tác công tư (PPP) hoặc dùng ngân sách. Do đó các địa phương có liên quan cần chủ động triển khai dự án. "Những đoạn ngắn nhưng quỹ đất bên đường nhiều thì có thể đầu tư bằng ngân sách địa phương, sau đó đấu giá đất hoàn lại và tái đầu tư hạ tầng", ông Thành nói.
Những khó khăn của Vành đai 3 cũng được Chủ Tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu trong buổi làm việc với Thủ Tướng Phạm Minh Chính diễn ra hôm qua, khi đề cập các dự án giao thông trọng điểm ở thành phố. Đây là tuyến huyết mạch và là điểm đầu của cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Tp. Hồ Chí Minh - Chơn Thành nên lãnh đạo thành phố kiến nghị Thủ Tướng chỉ đạo sớm triển khai các đoạn còn lại, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài Vành đai 3, dự án Vành đai 2 với tổng chiều dài 64 km, chạy qua 8 quận huyện, quy hoạch cách đây 14 năm hiện mới xong 50 km; Vành đai 4 với tổng chiều dài 198 km, đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh và Long An, tổng đầu tư ước tính 100.000 tỷ đồng, được duyệt năm 2013 nhưng đến nay chưa hình thành.